Đang gửi

Bài học của lòng quyết tâm

29/03/2015

(VOV) - 23 giờ ngày 14/10/2009, tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Nậm Chiến 2 (xây dựng trên suối Chiến, huyện Mường La, Sơn La) chính thức phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia.

Đến cuối tháng 10, tổ máy 2 của nhà máy sẽ hoàn thành. Như vậy, từ nay công trường xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La trên sông Đà có một nguồn điện ổn định công suất 32 MW phục vụ việc thi công, không phải dẫn điện xa hàng trăm km về như trước nữa.

3 yếu tố làm nên thành công

Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Tây Bắc là chủ đầu tư, theo hình thức BO (xây dựng – vận hành) với sự tham gia thi công của nhiều công ty thành viên của Tổng công ty Sông Đà. Khởi công đầu năm 2007, vượt qua cơn bão về tài chính – giá cả năm 2008, vượt qua khó khăn về địa chất, qua 34 tháng nỗ lực, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Tây Bắc đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy.

Bài học thành công đầu tiên là cần có chiến lược đầu tư đúng hướng. Khác với một số công ty xây dựng khác, đăng ký dự án xây dựng thủy điện để kêu gọi vốn đầu tư, tung cổ phiếu lên sàn kiếm lời, trong khi việc thực hiện dự án rất ì ạch, có thể nói ngày đầu thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Tây Bắc, cũng là ngày dự án thủy điện Nậm Chiến 2 được khởi công. Nhà máy được xây dựng trên suối Chiến, bên dưới Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 1 (do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư). Chắc chắn khi tham gia xây dựng dự án Nậm Chiến 2, các đơn vị thiết kế đều tính đến khả năng nếu nhà máy phát điện sớm, sẽ có tác dụng rất lớn phục vụ cho việc thi công Nhà máy thủy điện Sơn La cách đó chưa đầy 10km đường chim bay. Bởi vậy, ngành điện đã có sự hỗ trợ tích cực cho dự án với việc tham gia xây dựng hệ thống đường dẫn 110 kV đấu nối điện từ nhà máy tới trạm 110kV Mường La để điện của Nậm Chiến 2 có ngày nào thì tung lên lưới điện quốc gia ngày ấy. Và điều đó nay đã trở thành hiện thực.

Lặng lẽ không ồn ào, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển điện Tây Bắc còn triển khai thêm hai dự án thủy điện Nậm Sọi (2 tổ máy công suất 9,5 MW, sản lượng điện hàng năm 35 triệu 700.000 KW/h) và Nậm Công (2 tổ máy công suất 10 MW, sản lượng điện hàng năm xấp xỉ 40 triệu KW/h) ở huyện Sông Mã thuộc tỉnh Sơn La. Khởi công sau Nậm Chiến 2 hơn nửa năm, khả năng cuối tháng 12/2009 hoặc đầu 2010, hai nhà máy phát điện là hiện thực.

Như vậy, trong vòng 4 năm kể từ ngày thành lập, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển điện Tây Bắc đã hoàn thành việc xây dựng 3 nhà máy thủy điện ở hai huyện Mường La và Sông Mã đều thuộc tỉnh Sơn La với tổng công suất hơn 50 MW. Công ty đang tiếp tục triển khai xây dựng một số dự án thủy điện cũng ở Tây Bắc, đúng như tên gọi của mình.

Trong chiến lược đầu tư đúng hướng của Công ty, còn phải kể đến việc Công ty đã có nhiều có gắng giúp đỡ một số công ty xây dựng khác, cũng mới thành lập, trong đó có Công ty Cổ phần Công nghiệp xây dựng Toàn Phát, từ kinh nghiệm tổ chức thi công lẫn đầu tư mua sắm thiết bị… Kỹ sư Nguyễn Ngọc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Phát khẳng định, qua tham gia xây dựng thủy điện Nậm Chiến 2, Công ty đã trưởng thành rất nhiều, từ việc có thêm trang thiết bị thi công hiện đại đến năng lực tổ chức thực hiện những dự án xây dựng thủy điện công suất tương tự như Nậm Chiến 2. Giúp người thì người giúp lại. Toàn Phát đã là một trong những đơn vị đắc lực góp phần vào việc hoàn thành nhanh Nậm Chiến 2.

Cùng với việc xác định đúng hướng đầu tư, bài học thứ ba mà Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển điện Tây Bắc tâm đắc chính là lòng quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra. Ba dự án thủy điện Nậm Chiến 2, Nậm Sọi và Nậm Công đang thực hiện thuận lợi thì năm 2008 gặp cơn bão giá rồi khủng hoảng kinh tế thế giới. Giá vật tư tăng, ngân hàng có lúc đóng băng các khoản vay. Làm hay không? Không phải là không có ý kiến bàn lùi. Công ty triệu tập Hội nghị  cổ đông, Chủ tịch HĐQT kỹ sư Phạm Bá Tôn khẳng định cương quyết: “Chúng ta chỉ có tiến, không có lùi. Lùi là chết”. Công ty kêu gọi các cổ đông bỏ thêm vốn vào cho công trình. Lãnh đạo chủ chốt của công ty còn thế chấp tài sản của mình để vay tiền ngân hàng. Cùng với việc huy động thêm nguồn vốn, là việc đầu tư chất xám, tăng cường lao động có tay nghề cao cho công trường. Một Tổng giám đốc đã phải thôi việc. Nhiều kỹ sư trẻ, có năng lực được giao việc. Đứng mũi chịu sào là cán bộ, kỹ sư có bề dày kinh nghiệm.

Điển hình là việc xử lý sự cố cuội, sỏi ở hố móng đập tràn. Thay người, mạnh dạn thay đổi biện pháp thi công. Lòng quyết tâm và kinh nghiệm dày dạn của người lãnh đạo đã truyền đến được lớp trẻ. Lớp trẻ được tín nhiệm, dám nghĩ, dám làm đã góp phần làm nên một kết quả xứng đáng được tôn vinh. Với một lượng người có hạn, nguồn vốn không phải là dồi dào, trong vòng 4 năm công ty  đã hoàn thành 3 nhà máy thủy điện ở khu vực Tây Bắc.

Hoa ban đỏ giữa lòng Tây Bắc

Đã thành nếp từ thủy điện Hòa Bình tại 3 dự án Nậm Chiến 2, Nậm Sọi, Nậm Công, kỹ sư Phạm Bá Tôn - Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư và phát triển điện Tây Bắc đều xây dựng khu vực nhà máy, nơi làm việc và nơi ở của cán bộ, công nhân viên như một công viên thu nhỏ. Ở dự án Nậm Chiến 2 tại xã Chiềng San bên cạnh việc xây dựng các khu nhà làm việc, nhà ở gọn gàng, đẹp mắt, còn tập trung trồng cây xanh, đặc biệt là cây Hoa Ban đặc trưng của đất rừng Tây Bắc. Trước cửa nhà máy, kỹ sư Phạm Bá Tôn cho trồng hai cây hoa Ban Đỏ lớn. Nhiều người băn khoăn: “Đã có hoa Ban trắng lại có hoa Ban Đỏ”. Phạm Bá Tôn chỉ tủm tỉm cười cho đến khi có người nhận ra rằng: Hoa Ban đỏ có nhiều ở Điện Biên.

Sinh ra và lớn lên ở đồng đất Thái Bình, Phạm Bá Tôn chưa một lần làm lính. Nhưng thế hệ các anh gắn liền sự trưởng thành của mình với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Anh cùng đồng đội của mình xây dựng thủy điện Thác Bà, Ialy, Cần Đơn… và đặc biệt, đã làm nên thủy điện Hòa Bình - một Điện Biên Phủ trên mặt trận kinh tế của đất nước. Truyền thống Điện Biên Phủ ấy, anh đang tiếp tục truyền lại cho đàn em của mình.

9/10 - ngày khởi động không tải tổ máy số 1 thủy điện Nậm Chiến 2, trùng với dịp kỷ niệm lần thứ 55 ngày giải phóng Thủ đô. Không có một tuyên bố gì, nhưng tập thể cán bộ, kỹ sư và công nhân Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Tây Bắc đều hiểu rằng, đó là tấm lòng của những người ở xa Hà Nội gửi về Thủ đô thân yêu của mình./.

Bài và ảnh: Trương Cộng Hòa